Một người hành hương Hồi giáo đổ nước lên đầu để hạ nhiệt khi tham gia hành hương. (Nguồn: Reuters)
Vào ngày 14/6, lễ hành hương Hajj 2024 đã chính thức bắt đầu. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là chỉ 3 ngày sau đó, nhiệt độ tại Mecca đã tăng vọt lên đến 51,8 độ C - mức nóng kỷ lục được ghi nhận trong lịch sử.
Trong số 550 người thiệt mạng, có tới 323 nạn nhân là người Ai Cập.
Hãng thông tấn Tunis Afrique Presse (TAP) xác nhận 35 công dân Tunisia đã thiệt mạng. Nhiều gia đình nạn nhân chia sẻ trên mạng xã hội cho biết nguyên nhân chính là do thời tiết nắng nóng khắc nghiệt. Hiện vẫn còn nhiều người mất tích và các gia đình đang nỗ lực tìm kiếm người thân tại các bệnh viện ở Saudi Arabia.
Bộ Ngoại giao Jordan xác nhận số người hành hương nước này tử vong trong lễ Hajj năm nay đã tăng lên 41 người.
Hãng thông tấn nhà nước Iran IRINN xác nhận 11 người Iran đã thiệt mạng và 24 người khác phải nhập viện trong khi tham gia hành hương.
Theo Agence de Presse Sénégalaise, 3 công dân Senegal đã tử vong khi tham gia lễ hành hương năm nay. Bộ Y tế Indonesia cũng thông báo có 144 nạn nhân nước này thiệt mạng tại đây, nhưng chưa rõ có ai thiệt mạng do say nắng hay không. Hiện tại, các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân tử vong của các trường hợp này.
Hằng năm, hàng triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp mọi nơi trên thế giới lại hướng về thánh địa Mecca để thực hiện Hajj - một trong những hành trình tâm linh quan trọng nhất trong đời. Được xem như lời dạy của Nhà tiên tri Mohammad cách đây 14 thế kỷ, Hajj không chỉ mang ý nghĩa thanh tẩy bản thân, mà còn là dịp để thể hiện sự đoàn kết và củng cố niềm tin của cộng đồng Hồi giáo.
Tuy nhiên, đằng sau đó là những thảm kịch trong 30 năm qua bởi những vụ giẫm đạp, cháy lều và tai nạn. Biến đổi khí hậu với những đợt nắng nóng gay gắt càng khiến tình trạng thêm trầm trọng, biến Hajj trở thành hành trình thử thách về cả tinh thần lẫn thể xác.
Bất chấp thời tiết nắng nóng và lượng người tham gia đông đảo, các tín đồ Hồi giáo vẫn nỗ lực hoàn thành các nghi lễ Hajj một cách trang trọng. "Đây là một hành trình gian nan, đòi hỏi sự kiên trì và lòng thành tâm", một người hành hương Ai Cập chia sẻ.
Để chống chọi với cái nóng gay gắt, họ sử dụng ô và tuân theo khuyến cáo của chính quyền Saudi về việc uống đủ nước và hạn chế ra ngoài trời trong khoảng thời gian từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều.